Thí sinh lên chiến lược vào đại học bằng nhiều phương thức

Từ đầu năm học, Nguyễn Trường Giang, lớp 12 (quận Long Biên, Hà Nội), xác định cần tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, coi đây gần như là cách duy nhất để vào đại học. Tuy nhiên, năm 2022, hàng loạt trường bổ sung phương thức tuyển sinh riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, khiến Giang lung lay. 

Nam sinh giải thích, em theo tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) từ khi mới vào cấp ba, với nguyện vọng một vào Học viện Hậu cần, sau đó là ngành Digital Marketing của các trường kinh tế.

 Năm nay, các trường khối quân đội vẫn tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng điểm chuẩn 2021 ở tổ hợp A00 dành cho thí sinh nam miền Bắc của Học viện Hậu cần là 24,15. Giang khá chấp chới với mức điểm này vì em ước tính mình chỉ đạt khoảng 8 điểm mỗi môn. 

Do đó, phòng trường hợp trượt nguyện vọng một, Giang cân nhắc kỹ phương án cho các nguyện vọng sau. "Với mức 24 điểm thi tốt nghiệp, em rất khó trúng tuyển ngành Marketing của các trường top, nên buộc phải tìm thêm phương thức để tăng cơ hội cho mình", Giang nói. 

Nam sinh bắt đầu tìm hiểu về cấu trúc và đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời lên danh sách các trường xét học bạ. 

Thời gian biểu của Giang bị chia nhỏ hơn. Trước kia, các buổi tối trong tuần được em chia đều để học Toán, Lý, Hóa, nhưng giờ có thêm môn Sinh học. Nam sinh chủ yếu luyện đề thi thử và tự học bằng cách theo dõi video trên YouTube. Giang dự định đăng ký thi đánh giá năng lực được tổ chức khoảng tháng 4. Nếu kết quả khả quan, cậu sẽ bớt áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 13 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong năm 2022. Trong đó, các trường thường áp dụng đồng thời 4-6 phương thức, kết hợp cả thi và xét tuyển. Việc này giúp đa dạng hóa lựa chọn trong tuyển sinh đại học, giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, đồng thời mở rộng cơ hội cho thí sinh. 

Thí sinh TP HCM dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần. 

Cũng như Giang, Đặng Thanh Huyền (TP Thủ Đức, TP HCM) không tự tin với mức 23-24 điểm thi tốt nghiệp nên đã dự phòng hai phương thức khác. 

Huyền hướng đến ngành Công nghệ thực phẩm tại ba trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm, Công nghiệp TP HCM và Nông Lâm TP HCM. Trong đó, em ưu tiên Đại học Nông Lâm vì gần nhà. 

Năm ngoái, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vào ngành Công nghệ thực phẩm ở ba trường này dao động 23-24 điểm, tổ hợp A00. Để tăng cơ hội trúng tuyển, nữ sinh sẽ nộp điểm học bạ THPT và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. 

Cuối tháng này, cùng với 85.000 thí sinh cả nước, Huyền sẽ thi đánh giá năng lực đợt một. Kỳ thi đòi hỏi kiến thức rộng nhiều lĩnh vực và kỹ năng giải quyết vấn đề, nên Huyền đã tập trung ôn tập từ sau kỳ nghỉ Tết. Ngoài giờ học chính, Huyền tham gia một lớp ôn tập Toán, Hóa, Tiếng Anh trên mạng. Nữ sinh đọc thêm nhiều báo, sách khoa học để có thêm kiến thức cho các bài tập vận dụng. 

"Em cố gắng ôn tập các môn theo định hướng chung cho ba phương thức vào đại học là thi tốt nghiệp, xét học bạ và thi đánh giá năng lực", Huyền cho biết. 

Nữ sinh sẽ chọn thêm các ngành tương tự như Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm với nguyện vọng ưu tiên thấp hơn. 

Tại Định Quán, Đồng Nai, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa chọn tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), bởi không có thế mạnh các môn tự nhiên, Tiếng Anh. Ngành Hoa chọn là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. 

Nữ sinh giải thích, ngành Du lịch đang có nhu cầu nhân lực lớn. Ngành này ở các đại học công lập khác thường tuyển bằng khối A01 hoặc D01, đều có Toán hoặc Tiếng Anh. "Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường hiếm hoi tuyển ngành này khối C, học phí cũng phải chăng", Hoa nói thêm. 

Tuy nhiên, ngoài lợi thế trên, điểm chuẩn ngành này của trường này rất cao, năm ngoái là 27. Giống như nhiều thí sinh khác, Hoa chọn thêm phương thức thi đánh giá năng lực để "chắc ăn" hơn. 

Các năm trước, phần lớn thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và điểm học bạ để xét tuyển đại học. Nhưng năm nay, với gần 100 (trong tổng số hơn 200) đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia, đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, số lượng thí sinh đăng ký các kỳ thi riêng này đông hơn hẳn. 

Theo thống kê của Đại học Quốc gia Hà Nội, 16 đợt thi đánh giá năng lực năm 2022 dự kiến thu hút 70.000-90.000 thí sinh, nhiều gấp 7-9 lần năm ngoái. Với Đại học Quốc gia TP HCM, đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên đã có 85.000 thí sinh đăng ký dự thi, so với khoảng 60.000 của cả năm ngoái. 

Học sinh trường THPT Trí Đức (Hà Nội) ăn ngủ tại trường để ôn thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Ngọc Thành 

Nắm bắt tâm lý và xu hướng tham dự nhiều phương thức tuyển sinh của học sinh, các trường THPT đã lên kế hoạch giảng dạy phù hợp. 

Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên Toán, THPT Đồng Quan (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết theo khảo sát sơ bộ, năm nay, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp, gần như toàn bộ học sinh tại lớp mà thầy chủ nhiệm đều đăng ký thi đánh giá năng lực. 

Để hỗ trợ học trò, thầy giáo nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 12 chuyển hướng từ "dạy sâu" sang "dạy rộng". Thầy Đức lý giải, đề thi Toán tốt nghiệp thường tập trung vào kiến thức lớp 12, chỉ một ít ở lớp 11. Tuy nhiên, trong kỳ thi đánh giá năng lực, kiến thức môn Toán bao quát toàn bộ nội dung bậc THPT. Do đó, các giáo viên cũng điều chỉnh phương pháp dạy và đưa thêm nhiều câu hỏi vận dụng cho học sinh làm quen.

 Dự kiến, học sinh THPT Đồng Quan kết thúc năm học vào 25/5. Sau thời gian này, trường sẽ tổ chức ôn luyện cho các em thêm 1-2 tuần. Hiện, thầy Đức đã thành lập một nhóm gồm các giáo viên dạy Toán, chọn lọc các câu hỏi trong đề thi mẫu đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, sau đó phát triển và thiết kế những câu tương tự để ôn tập cho học sinh. 

Ngoài trường Đồng Quan, từ đầu năm học, các trường THPT khác cũng lên kế hoạch ôn luyện cho học sinh theo phân ban, nhằm định hướng và trang bị kiến thức phù hợp để các em dự thi tổ hợp và phương thức mình lựa chọn.