Học sinh sáng chế máy tách vỏ sầu riêng, công cụ hữu hiệu hỗ trợ người dân trong thu hoạch chế biến.

Với giá 9 triệu đồng, bạn có thể sở hữu một chiếc máy bán tự động, có thể tách 75 quả sầu riêng trong một giờ. Một sáng chế thông minh từ 2 bạn học sinh đến từ Đăk Lăk.

Chỉ mới đang theo học lớp 11 nhưng học sinh Đặng Hoàng Dũng và Phạm Anh Thư của trường THCS, THPT Đông Du, TP Buôn Mê Thuột đã sáng chế thành công chiếc máy tách vỏ Sầu Riêng. Tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức, Hai em đã xuất sắc đạt giải nhì.

Đắk Lắk hiện là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, khoảng 38.800 ha, với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Gia đình của Thư và Dũng cũng tham gia vào hoạt động chế biến và buôn bán loại nông sản này. Nhận thấy nhiều người gặp khó khăn khi phải tách vỏ sầu riêng bằng tay, hai em đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy bán tự động vào năm ngoái.

Đến tháng 5/2024, chiếc máy được hoàn thiện về hình dáng. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, thiết bị liên tục gặp lỗi. Theo chia sẻ của hai học sinh, thách thức lớn nhất là làm sao thiết kế được lưỡi tách thật chuẩn xác – vừa hiệu quả trong việc tách vỏ, vừa đảm bảo phần thịt không bị ảnh hưởng. Để khắc phục điều này, các em đã nghiên cứu và sáng tạo ra bốn mẫu mũi tách khác nhau, sau đó mang đi thử nghiệm thực tế để đánh giá hiệu quả của từng loại.

Hoàng Dũng và Anh Thư tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, năm học 2024 - 2025

Trải qua nhiều lần thử và điều chỉnh, nhóm đã hoàn thiện chiếc máy với kích thước cao 100cm, rộng 50cm, có khả năng tách trung bình 75 quả sầu riêng mỗi giờ. Tổng chi phí chế tạo là 9 triệu đồng, bao gồm chi phí vật liệu như sắt thép, inox, động cơ ben điện, cảm biến, mạch điện điều khiển rơ le và cả chi phí gia công, cắt laser.

Theo Anh Thư, chiếc máy không chỉ giúp giảm sức lao động thủ công, tăng năng suất, mà còn đảm bảo an toàn hơn so với cách tách vỏ truyền thống. Điều em tâm đắc nhất là việc cải tiến thiết kế lưỡi tách, giúp hạn chế tối đa phần thịt bị hao hụt trong quá trình tách.

Cô Lê Minh Hiền, giáo viên hướng dẫn, chia sẻ rằng cả hai học sinh đều học giỏi và tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Riêng Anh Thư đã nhiều lần tham gia và đạt giải tại các cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp cấp tỉnh và quốc gia, cũng như nhận được giải thưởng Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh.

Theo cô Hiền, so với những loại máy tách vỏ sầu riêng đang có mặt trên thị trường, đặc biệt là tại Malaysia và Thái Lan, sản phẩm của Thư và Dũng có nhiều điểm cải tiến đáng chú ý. Trong khi phần lớn các thiết bị hiện nay sử dụng ben thủy lực, nhóm học sinh này đã lựa chọn sử dụng ben điện cơ. Điều này giúp máy trở nên nhỏ gọn hơn, dễ dàng trong việc vệ sinh và bảo trì nhờ cấu trúc linh hoạt và dễ tháo lắp.

Ngoài ra, một số máy hiện tại chỉ có cơ cấu ben điện ép xuống để làm nứt vỏ, trong khi sản phẩm của hai em kết hợp thêm cơ chế đòn bẩy tại phần mâm tách. Nhờ đó, quá trình tách vỏ trở nên nhanh chóng, hiệu quả và tốn ít lực hơn.

cô Hiền nhận xét “Sản phẩm cho thấy tinh thần sáng tạo, tư duy khoa học và ý thức trách nhiệm rất cao của hai em học sinh”.