Đại học top đầu muốn tăng số câu khó trong đề tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện các trường đại học, cao đẳng sử dụng khoảng 20 phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, phương thức phổ biến được mọi trường sử dụng vẫn là dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đề thi hai năm qua có phần dễ hơn, tính phân hóa giảm. Các trường cũng giảm dần chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Hai yếu tố này khiến điểm chuẩn tăng cao, một số thí sinh đạt 30 điểm vẫn không đỗ ngành mong muốn. 

Tại hội nghị tuyển sinh năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 16/3, đại diện nhiều trường đại học nhắc lại thực trạng này. GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, cho biết năm nay, Đại học Y Hà Nội vẫn xác định kết quả thi tốt nghiệp THPT là công cụ chính để xét tuyển, giống như nhiều trường khác. 

Trong bối cảnh có đến hơn 50% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này, ông Tú cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục thể hiện vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức và ra đề thi. "Đây là hai khâu quyết định kết quả thi có đảm bảo độ tin cậy và phân loại thí sinh được không để giúp các trường yên tâm sử dụng kết quả thi vào tuyển sinh", ông Tú nói. 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy PGS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP HCM, cũng mong muốn Bộ Giáo dục ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa, tức số lượng các câu hỏi khó chiếm tỷ lệ nhiều hơn, để các trường top trên vẫn có thể tận dụng kỳ thi này khi tuyển đầu vào. 

Theo ông Khôi, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, hoặc tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt như ảnh hưởng của Covid-19 ba năm gần đây, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng gây khó khăn cho cả nhà trường và thí sinh. Vì vậy, nhiều trường đại học vẫn trông cậy vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. 

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng các trường đại học rất muốn nâng cao chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT. Ông Đức đánh giá đề thi năm 2017 và 2018 có tính phân hóa tốt, rất phù hợp cho các trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển. 

"Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề thi THPT đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp nhưng cũng giúp phân loại thí sinh tốt hơn", ông Đức chia sẻ. 

Ngoài đề xuất liên quan đến đề thi, một số trường đưa ra góp ý liên quan đến việc tổ chức. GS Nguyễn Hữu Tú cho rằng hiện cách ứng xử với dịch đã thay đổi so với trước đây. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, nếu không phát sinh tình huống đột biến, vào khoảng tháng 6-7, dịch có thể được kiểm soát tốt hơn. Dù vẫn cần phương án dự phòng, ông Tú cho rằng nên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần bình thường mới, tránh việc chia thành nhiều đợt. 

"Kỳ thi cần gọn nhẹ vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của các trường và gây khó khăn cho người học", ông Tú nói.

 Đề xuất này của đại diện Đại học Y Hà Nội khác với mong muốn của TP HCM. Trong buổi làm việc trực tuyến với Bộ hôm 9/3, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hoài Nam đề xuất tổ chức kỳ thi thành hai đợt. Đợt một dành cho thí sinh thường, đợt hai dành cho các F0, F1; mỗi đợt cách nhau 10 ngày. 

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra lịch thi hay số đợt thi cụ thể mà chỉ dự kiến kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 7, cơ bản giữ ổn định như năm 2021 nên không ban hành quy chế thi mới.

Nguồn: mobiEdu